Thông kê truy cập
PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH
Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, thích ứng linh hoạt, nhiều F0 phải điều trị tại nhà cũng là áp lực của nhân viên y tế tuyến cơ sở.
Không chỉ ngoáy mũi, tư vấn, hỗ trợ, điều trị... mà các y bác sĩ Trạm Y tế phường Phương Liệt còn sẵn sàng vác bình oxy lên đường hỗ trợ F0 trở nặng bất kể lúc nào.
Số ca bệnh tăng mỗi ngày
Những tháng gần đây, đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số ca mắc Covid-19 tại phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tăng cao từng ngày. Vào mỗi buổi sáng, người bệnh lại đeo khẩu trang, mũ áo kín mít đến trạm y tế xếp thành hàng dài chờ xét nghiệm Covid dù trời mưa rét.
Gia đình anh N.V.T ở phố Nguyễn Lân có 5 người thì 2 người mắc Covid. Anh T cho biết, khi anh thấy vợ và con có dấu hiệu ho, sổ mũi, anh liền cho test PCR. Khi có kết quả dương tính, anh T gọi điện thông báo với trạm y tế phường thì được nhận thuốc và tư vấn cách ly y tế để không lây bệnh cho các F1. “Tôi được các nhân viên y tế dặn dò cách dùng thuốc, bổ sung dinh dưỡng, tập thể dục rất kỹ lưỡng... Hôm nay, cả nhà tôi đến xét nghiệm lại thì đều âm tính sau 9 ngày điều trị”, anh T cho hay.
Gia đình anh M thấy 2 con nhỏ có biểu hiện đau họng cũng cho đến xét nghiệm. Khi thấy nhân viên y tế mặc bảo bộ kín mít, các cháu khóc thét, nước mắt nước mũi giàn giụa, bố mẹ phải giữ chặt con, nhân viên mới lấy được mẫu xét nghiệm. Y sĩ Lê Thúy Lan thông báo: “Nhà anh L.V.M có 4 người thìđều dương tính nhé. Trước mắt, anh chị cho con súc họng rửa mũi, uống nước ấm, ăn uống tăng cường đủ chất, tinh thần lạc quan. Cố gắng thực hiện tốt 5K để tránh lây lan bệnh trong gia đình. Nếu có biểu hiện gì khác thì thông báo để chúng tôi tư vấn có dùng thuốc hay không”.
Gắn bó với trạm y tế đã 20 năm, nhưng từ khi đại dịch Covid, y sĩ Lê Thúy Lan cũng như cán bộ trạm y tế dường như không có thời gian cho bản thân. Ngoài việc lấy mẫu xét nghiệm, các chị còn phải trực điện thoại 24/24 để tư vấn điều trị cách ly cho F0, F1. Những lúc mặc quần áo bảo hộ, luôn tay làm xét nghiệm không thể nghe điện thoại cũng khó tránh lời trách móc, khiếu nại... “Từ giữa năm 2021 đến nay, đặc biệt khoảng 3-5 tháng gần đây, cường độ công việc của chúng tôi tăng lên rất nhiều. Chúng tôi vừa tiêm chủng, xét nghiệm vừa tư vấn, chuyển viện, cấp cứu. Trước đây chúng tôi phải đến nhà các BN để thăm khám và tư vấn điều trị nhưng bây giờ F0 đông quá, chúng tôi chỉ nghe điện thoại BN thông báo, nếu F1 chưa triệu chứng thì hướng dẫn họ tự theo dõi và cách ly, nếu có triệu chứng thì chúng tôi cho làm xét nghiệm. Với F0 có triệu chứng thì hướng dẫn cách xử lý, điều trị triệu chứng theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Còn với trường hợp BN là trẻ nhỏ và người cao tuổi đi lại khó khăn, hoặc sốt cao quá, khó thở, mệt quá thì chúng tôi đến tận nhà chăm sóc”, chị Lan chia sẻ.
Quan trọng nắm bắt tiền sử người bệnh
Trạm y tế có 7 người, ngoài đến tận nhà F0 để đo SpO2, hỗ trợ oxy, cung cấp thuốc, các y bác sĩ còn tư vấn trực tiếp qua điện thoại để BN và người thân yên tâm. Không quản ngày đêm hay lễ tết, khi có cuộc gọi yêu cầu, các y bác sĩnhanh chóng nắm bắt tình hình và lên đường ngay. Có lẽ vì thế mà mắt chị em ai cũng trũng xuống do thiếu ngủ. Chị Lan cho biết: “Ngoài việc trực điện thoại 24/24 của từng ca thì Trạm trưởng vẫn là người trực chủ chốt, chị thường xuyên có mặt ở trạm và cả những khi chị em bê vác oxy chạy băng băng trên đường hỗ trợ điều trị những ca bệnh nặng, cần chuyển tuyến”.
Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, thích ứng linh hoạt, nhiều F0 phải điều trị tại nhà cũng là áp lực của nhân viên y tế tuyến cơ sở. Bác sĩ Loan Thị Hồng Mai, Trạm trưởng Trạm y tế phường Phương Liệt chia sẻ, từ tháng 12/2021 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 3.000 ca F0. Cũng may nhờ bao phủ vaccine nên đa số BN bị nhẹ và không triệu chứng. Chỉ có 45 trường hợp chuyển nặng cần hỗ trợ chuyển tuyến nhưng cũng may BN chỉ ở tầng 1 và 2, rất ít BN ở tầng 3. Và 3 trường hợp không thể qua khỏi vì có quá nhiều bệnh nền. “Số F0 tăng cao từng ngày. Đặc biệt 7 ngày gần đây số F0 lên tới 1.500 ca, trong đó cao điểm, F0 lên tới 335 ca/ngày. Bù lại, có ngày có gia đình cả 8 F0 xét nghiệm đều âm tính sau thời gian ngắn điều trị, đó như liều thuốc bổ tinh thần, giúp chị em chúng tôi vững tin bước tiếp trên con đường chống dịch đầy gian nan”, bác sĩ Mai bày tỏ.
Khi hỏi về những trường hợp F0 được hỗ trợ khi bệnh chuyển nặng hoặc chuyển tuyến, các nhân viên y tế nhớ rõ tên tuổi cũng như địa chỉ từng người, bởi những trường hợp này thường có tiền sử bệnh rất đặc biệt, và nhân viên y tế thường phải đi lại khám nhiều lần. “Những người cao tuổi, bệnh nền, trẻ em chưa được tiêm vaccine thì nguy cơ chuyển nặng cao, chúng tôi phải khai thác tiền sử, gọi điện hướng dẫn từ nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, tập hít thở, đặc biệt những người già thì hướng dẫn kẹp đầu ngón tay theo dõi máy đo phân áp oxy trong máu. Nếu chỉ số SpO2 dưới 95, khó thở thì chúng tôi vác bình oxy chạy xe máy hỗ trợ bất kể giờ nào. Có hôm về đến nhà là 3-4h, nhưng sáng hôm chị em vẫn phải triển khai tiêm phòng Covid tại điểm trường”, chị Mai cho hay.
Đúng lúc ấy, anh L.T.H ở Định Công khệ nệ bê bình oxy đến trạm y tế trả bởi trước đó mẹ anh (bà T.T.C, 86 tuổi) được hỗ trợ thở oxy. Anh H cho biết, vào sáng mùng 1 Tết, thấy chỉ số oxy của mẹ chỉ còn 87%, các con hốt hoảng gọi video để bác sĩ nhìn trực tiếp hình ảnh.“Khi biết dương tính, mẹ tôi không ăn uống được, cứ ăn vào là nôn ra. Gia đình lo cụ cao tuổi, lại có nhiều bệnh nền nguy hiểm nên khó qua khỏi. Nhưng khi gọi ra phường thì được hướng dẫn tận tình chu đáo. Họ bảo cụ không có triệu chứng nguy kịch. Giờ quan trọng nhất làm thế nào để bà ăn được. Dù mưa dầm gió bấc nhưng nhân viên y tế đều đặn 3 ngày đến test cho cụ. Khi mẹ tôi âm tính sau 12 ngày điều trị, chúng tôi chỉ biết nói lời cảm ơn đội ngũ y tế đã hỗ trợ tận tình chu đáo cho cụ, mà trong nhà không ai bị lây nhiễm”, Anh H bày tỏ.
Là người trong kíp hỗ trợ trực tiếp cho bà C, điều dưỡng Trần Thanh Hoa cho biết, bà C không chịu ăn uống, không hợp tác điều trị. “Chúng tôi vừa phải động viên bà, vừa phải bắt gia đình hỗ trợ cho bà tập thở, hỗ trợ thở oxy nên chỉ số SpO2 lúc nào cũng đạt 98-99%”, chị Hoa nói.
Mong người dân tuân thủ 5K
Bị F0 ở thể nhẹ và khỏi bệnh từ giữa tháng 12/2021, nhưng đến nay chị Trần Thanh Hoa vẫn cảm thấy mệt mỏi, hay quên và ho dai dẳng nên chị luôn miệng nhắc BN giữ gìn sức khỏe, cố gắng ăn uống tốt và quan trọng là tập hít thở mỗi ngày để tránh để lại những di chứng hậu Covid. Chị bảo công việc mỗi ngày cũng bận rộn, vừa quản lý giấy tờ, vừa điện thoại tư vấn liên tục, số di động của các nhân viên y tế phường cũng trở thành số hotline. “Có đêm, 1h BN tự test thấy dương tính, kêu khó thở chúng tôi phải mang bình oxy và máy đo SpO2 đến. Nhưng đến nơi, chúng tôi đo lại SpO2 vẫn ở trong mức bình thường thì lại đi về. Những lúc như thế cũng tâm trạng lắm. Bởi đang đêm hôm khuya khoắt, bản thân tôi cũng không có vấn đề gì vì đã quen với công việc này rồi, nhưng nếu chồng không hiểu và thông cảm thì sẽ thêm áp lực”, chị Hoa tâm sự.
Làm điều dưỡng gắn bó với Trạm Y tế phường Phương Liệt đã 8 năm, từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở Hà Nội, lo công việc của mình lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cho con, nên ngay từ đầu mùa dịch, chị đã gửi 2 con nhỏ về nhờ ông bà trông nom để an tâm công tác. “Gần đây các F0 chủ yếu không triệu chứng, hoặc có những triệu chứng thông thường như đau họng, ho sốt, đau đầu. Và việc điều trị chủ yếu theo các triệu chứng nên mọi người không quá lo lắng. Chỉ có điều, giờ các F0 đang lây lan nhanh, người dân nâng cao ý thức tuân thủ 5K thì sẽ tránh bệnh cho chính người thân của mình và giảm gánh nặng y tế”, chị Hoa chia sẻ.
Dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường khi số ca mắc ngày một gia tăng. Chị Hoa bày tỏ: “Mong ước sau này Covid chỉ là một bệnh truyền nhiễm thông thường, để người bệnh nặng có thể chuyển tuyến ngay vào bệnh viện chứ không phải làm nhiều thủ tục rườm rà. Bởi muốn chuyển tuyến cho F0 thì phải có nơi nhận, phải nhập lên phần mềm, phải liên hệ xe chứ không phải cứ thích đi là đi được... Như thế cũng đỡ gánh nặng cho tuyến y tế cơ sở chúng tôi”./.
“Chúng tôi mong ước được trở về một ngày bình thường như bao ngày trước đó, để mỗi ngày trở về với người thân trong gia đình không còn cảnh mỗi người ngồi ăn một góc, không phải cách ly. Và chúng tôi ao ước một ngày không còn ai gọi điện thoại tư vấn về Covid nữa. Đó có lẽ là một điều mơ ước quá xa xỉ”. Y sĩ Lê Thúy Lan chia sẻ. |
Hương Giang