Thông kê truy cập
CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ
Kinhtedothi - Sáng 7/5, tại quận Thanh Xuân, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại Đơn vị bầu cử số 3. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 11 phường trên địa bàn quận.
Tại hội nghị, cử tri đã nghe đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân giới thiệu tóm tắt tiểu sử của 5 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại Đơn vị bầu cử số 3 TP Hà Nội (gồm 3 quận: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy), cụ thể gồm: Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Dương Minh Ánh; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường; Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Chuyên viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Đặng Thị Kim Tuyến; Chủ tịch Công đoàn bộ phận Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) Phạm Thị Ngọc Yến.
Tại hội nghị, trình bày chương trình hành động của mình nếu trúng cử là đại biểu Quốc hội khóa XV, các ứng cử viên đã đề cập đến những vấn đề liên quan chặt chẽ đến đời sống người dân, đồng thời khẳng định, sẽ luôn sâu sát, gần dân, phản ánh, đề đạt những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Trong chương trình hành động của mình, ứng cử viên Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, đã trải qua 31 năm công tác, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu được cử tri tin tưởng, tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, ông sẽ cố gắng, nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất thực hiện đầy đủ nhiệm vụ người đại biểu nhân dân.
Khi tham gia Quốc hội, ông sẽ kiến nghị với Quốc hội có các chính sách lâu dài, ổn định và bền vững trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị; công tác quản lý đất đai, cải tạo các khu chung cư cũ… nhằm cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch, những vấn đề cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong Chương trình số 03 “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” để diện mạo Thành phố nói chung và quận Thanh Xuân nói riêng có nhiều khởi sắc, khang trang hơn, văn minh, hiện đại hơn.
Bên cạnh đó, quan tâm đến việc phát triển giáo dục đào tạo của quận; đặc biệt quan tâm đến việc quản lý và phát huy lợi thế của quận Thanh Xuân là nơi tập trung nhiều trường đại học lớn, số lượng sinh viên tập trung đông Đồng thời, kiến nghị với Quốc hội có các giải pháp để giải quyết vấn đề mà cử tri đang quan tâm, đó là việc sinh viên tốt nghiệp các trường đại học không tìm được việc làm. Cùng đó, quan tâm phát triển đô thị, kinh tế đô thị phải gắn với an sinh xã hội, phát triển văn hóa, đảm bảo trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân Hà Nội đặc biệt là các hộ chính sách đều được chăm lo chu đáo.
“Ngoài ra, tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ quận để chủ động, sẵn sàng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về quản lý xã hội theo mô hình chính quyền đô thị. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hơn nữa hiệu lực hiệu quả của chính quyền các cấp và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và sự hài lòng của Nhân dân” - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Ứng cử viên Dương Minh Ánh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho biết, nếu được cử tri tin tưởng, tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, bà sẽ tham gia tích cực vào công tác lập hiến, lập pháp góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, tạo hành lang pháp lý đầy đủ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước, nhất là trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo. Cùng đó, tham gia thảo luận, tranh luận tích cực, có trách nhiệm cũng như quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, như mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quốc gia...
Bên cạnh đó, bà Dương Minh Ánh khẳng định, sẽ tham gia một cách có hiệu quả vào công tác giám sát, nhất là giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật hiện hành, đặc biệt là các lĩnh vực như: Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo, với đối tượng là người có công, người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em. Qua hoạt động giám sát, phát hiện những khe hở của pháp luật, những quy định thiếu tính thực tiễn, thiếu tính khả thi để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế. Hoạt động này vừa góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.
“Về lĩnh vực văn hóa, tôi sẽ đề xuất cơ chế chính sách đặc thù đối với văn nghệ sỹ và các nghệ nhân; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật; đề xuất cơ chế chính sách nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển ngành công nghiệp Văn hóa trong đó có phát triển chuỗi hoạt động du lịch hiện đại kết hợp truyền thống” - Ứng cử viên Dương Minh Ánh nhấn mạnh.
Trong chương trình hành động của mình, ứng cử viên Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, nếu được cử tri tín nhiệm, ông sẽ luôn quan tâm, lắng nghe các ý kiến của cử tri, để chuyển tải những mong muốn, kiến nghị, đề đạt của cử tri tới diễn đàn Quốc hội, đồng thời chuyển các kiến nghị đó tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Với kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình công tác, ông sẽ tích cực tham gia xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách làm sao để chính sách pháp luật gắn chặt với thực tiễn cuộc sống và đời sống xã hội.
“Trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố - đại biểu Quốc hội, tôi sẽ có nhiều hoạt động quan tâm đến đời sống, việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc và sinh sống của công nhân, viên chức, lao động. Tại diễn đàn Quốc hội, tiếp tục có những ý kiến để hoàn thiện chính sách pháp luật đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Người lao động. Góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn đáp ứng được những đòi hỏi khi Việt Nam đã thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ” - Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Phi Thường khẳng định.
Trình bày chương trình hành động trước cử tri, ứng cử viên Đặng Thị Kim Tuyến cho biết: Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, bà sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, phối hợp với đại biểu HĐND các cấp thực hiện quyền giám sát… Quan tâm đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là lĩnh vực lao động - việc làm: Vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, thị trường lao động, đẩy mạnh phân tích, dự báo thị trường lao động để làm cơ sở định hướng thị trường lao động phát triển bền vững, hoạt động có hiệu quả.
“Ngoài ra, tôi sẽ quan tâm lĩnh vực đào tạo nghề gắn với việc làm, các chế độ chính sách bảo đảm quyền lợi người lao động. Xây dựng chiến lược tạo việc làm và thúc đẩy việc làm bền vững; giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống và bảo đảm an sinh xã hội” - Ứng cử viên Đặng Thị Kim Tuyến khẳng định.
Trong khi đó, ứng cử viên Phạm Thị Ngọc Yến cho biết: Tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách mới nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân.
Cùng đó, tích cực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi kêu gọi, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách và chuyển một phần lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; hướng tới nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững phục vụ đời sống người dân Hà Nội và xuất khẩu” - Ứng cử viên Phạm Thị Ngọc Yến khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, cử tri quận Thanh Xuân tán thành với chương trình hành động của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại Đơn vị bầu cử số 3. Đồng thời bày tỏ mong muốn, các ứng cử viên sau khi trúng cử sẽ thực hiện đúng những vấn đề đã nêu trong chương trình hành động đã trình bày. Đặc biệt, sẽ mang tới diễn đàn Quốc hội các vấn đề cử tri rất quan tâm, như về: Cải thiện giao thông, môi trường Thủ đô; Việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống; Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở… để những kỳ vọng, mong muốn của người dân trở thành hiện thực trong thời gian không xa./.